Mận Hà Nội hay mận Bắc, được bày bán nhiều vào tháng 5 đến giữa tháng 7 hàng năm. Có nhiều loại mận khác nhau như mận cơm, mận thép, mận tam hoa….
+ Mận cơm: Vỏ xanh, trái nhỏ như viên bi, vị chua mát nhưng hơi chát. Khi chín mận sẽ có đốm đỏ trên vỏ bên trong có màu xanh vàng.
+ Mận thép: Tương tự như mận cơm, nhưng vị rất chua, giá thành rẻ, thích hợp để làm mứt.
+ Mận tam hoa, mận máu và mận hậu: Vỏ có màu từ xanh chuyển dần sang tím tùy theo độ chín, da căng bóng, bên ngoài phủ một lớp phấn trắng. Mận càng chín sẽ càng ngọt, nhưng vẫn có vị chua mát, vỏ chát đắng.
Một quả mận chín chứa rất nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như Kali, Magie, Sắt, chất xơ, Vitamin nhóm B và Vitamin A. Chính vì thế, loại quả này mang đến rất nhiều công dụng cho người dùng, như: Ngăn sự phát triển của gốc tế bào tự do, cải thiện Cholesterol xấu, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh về tim và đột quỵ. Ức chế sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa ung thư, bởi trong loại quả này có chứa Beta-carotene và anthocyanin – là hợp chất chống Oxy hóa mạnh. Bên cạnh đó còn hỗ trợ lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, ngăn ngừa táo bón, thúc đẩy quá trình hấp thụ Sắt, giúp thanh lọc, cải thiện hệ tuần hoàn máu, đồng thời tăng cường chống viêm và đề kháng, tăng cường dưỡng chất, chống lão hóa ở mắt, cho đôi mắt luôn khỏe đẹp tránh các bệnh về mắt như cận, viễn, lão, loạn. Ngoài ra tình trạng rụng tóc sẽ giảm rõ rệt nếu bạn ăn mận thường xuyên…
Không những thế, mận bắc còn chứa axit xitric có tác dụng phòng chống mệt mỏi và chuột rút co cơ. Ăn mận trước khi tập luyện thể thao rất tốt. Ngoài ra, trong mận còn chứa một lượng nước lớn giúp những người chơi thể thao có thể ổn định sức khỏe trong suốt quá trình tập luyện hoặc thi đấu mà không lo mất sức.
Tuy nhiên, với bất cứ điều gì cũng vậy, chỉ tốt khi dùng vừa đủ. Nếu ăn loại mận này quá nhiều trong 1 ngày có thể sẽ gây nên bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, làm phá hủy men răng, dẫn đến các bệnh về đường ruột như viêm và đau dạ dày, nhiệt miệng, nổi ban, mụn…
Vì thế, theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chỉ nên ăn tối đa 10 quả mận một ngày. Luôn đảm bảo mận phải được ngâm qua nước muối pha loãng và rửa sạch.
Để tận dụng dưỡng chất từ mận ngoài việc ăn mận tươi bạn có thể dùng mứt mận, ô mai mận, siro mận… bởi chúng có thể bảo quản và dùng quanh năm.
Và đó cũng chính là lý do mà món “ô mai mận gừng” lạ vị đang được các chị em chia sẻ rầm rộ.
Dưới đây là các bước để thực hiện thành công món ô mai mận gừng lạ vị:
Nguyên liệu:
+ 1,5 kg mận
+800g đường đỏ
+ 100g gừng
+ 100ml nước lọc
Cách làm:
Bước 1: Ngâm mận với nước muối, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó khía tròn ngang – dọc quả mận để dễ thấm đường.
Bước 2: Tiến hành ngậm mận: dùng 1,5kg mận ngâm với 800g đường đỏ trong khoảng 8-10 tiếng. Lưu ý: không để quá 13 tiếng, vì mận sẽ bị lên men.
Bước 3: Sên mận: Sau khi ngâm đủ thời gian thì mận đã tiết ra một lượng nước khá nhiều, dùng tất cả để sên mận. Bật lửa to cho nước đường nhanh sôi. Sau đó hạ lửa liu riu. Thỉnh thoảng đảo đều cho mần ngấm đường. Đun trong khoảng 30-45 phút, thấy nước sền sệt và mận mềm trong, thơm ngát thì tắt bếp.
Bước 4: Dùng kẹp gắp mận để rời lên mâm, khi gắp thì gằn nhẹ quả mận để mận ra bớt nước. Phần nước còn lại trong nồi chính là siro mận, dùng để uống với đá trong những ngày hè nóng bức rất là tuyệt nhé!
Bước 5: Cho 100g gừng vào cối giã dập. Thêm 100ml nước lọc vắt lấy nước cốt, giữ lại bã gừng. Dùng chổi silicon phết nước gừng lên mận. Phần bã gừng trộn với 1 ít nước siro mận cho lên chảo sên đến khi keo lại. Rắc gừng đã sên lên trên mận. Vậy là món ô mai mận gừng đã hoàn thành.
Trông thật hấp dẫn phải không nào! Mận đỏ óng, dẻo thơm, chua chua ngọt ngọt lại hơi cay cay thơm mùi gừng. Vừa nhâm nhi miếng ô mai mận gừng, vừa uống ly siro mận mát lạnh thì còn gì bằng!
Chúc mọi người sẽ làm thật thành công món ô mai mận gừng này nhé!
Theo Thuyết Lê / Nguồn: Yêu Bếp – Nghiện Nhà